Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc bãi bỏ cấp tổng thành lập cấp xã, xã Yên Hưng được thành lập. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 01/1946, xã Yên Hưng được đổi thành xã Định Tân gồm có 9 làng và 1 xóm: Làng Yên Hoành, Yên Định, Kênh thôn, Lang Thôn, Mỹ Lộc, Duệ Thôn, Yên Thôn, Tam Đồng, Duyên Lộc và xóm Yên Giáo. Năm 1953, thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính - Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa (các xã lớn được tách ra thành lập các xã nhỏ), xã Định Tân được tách ra làm 2 xã là xã Định Tân và xã Định Tiến, xã Định Tân gồm có 3 làng: Yên Hoành, Yên Định, Kênh thôn và xóm Yên Giáo, thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1966, thực hiện chủ trương của tỉnh Thanh hóa và huyện Yên Định, Định Tân tiếp nhận 68 hộ nhân dân xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa lên định cư lâu dài và thành lập làng, lấy tên là làng Tân Long
Năm 1977, theo quyết định số 177/CP ngày 05 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện thuộc tỉnh thanh Hóa, 15 xã thuộc vùng tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa sáp nhập vào huyện Yên Định, lập ra huyện mới mang tên Thiệu Yên; 16 xã còn lại ở hữu ngạn sông Chu sáp nhập vào huyện Đông Sơn, lập ra huyện Đông Thiệu. Xã Định Tân lúc này thuộc quản lý của huyện Thiệu Yên. Ngày 18/11/1996, huyện Yên Định được tái lập theo Nghị định số 72/CP của Chính phủ. Ngày 01/01/1997, địa giới và tổ chức hành chính trở lại như Yên Định của 20 năm trước đây. Đơn vị hành chính của xã Định Tân vẫn giữ nguyên thuộc Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với 4 làng: Yên Hoành, Yên Định, Kênh Thôn, Tân Long và ổn định cho đến ngày nay. Quá trình hình thành và phát triển của các làng của xã Định Tân như sau:
LÀNG YÊN HOÀNH
Trước thế kỷ XVIII, làng Yên Hoành có tên gọi là làng An Hoàng. Từ năm 1738-1777, tên làng An Hoàng được đổi lại là làng Yên Hoành và tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay.
Làng nằm bên bờ hữu ngạn sông Mã, có diện tích tự nhiên 1,2km2, với vị trí địa lý: phía Đông giáp làng Yên Định, phía Tây giáp làng Duyên Lộc (xã Định Hải), phía
Theo gia phả của các dòng họ lớn trong làng, lời kể của các vị cao niên, đặc biệt là qua tìm hiểu sắc phong thần, làng Yên Hoành được hình thành cách ngày nay khoảng 800 năm. Dưới triều nhà Lý, có công chúa Phương Hoa, trong một lần dạo chơi dọc sông Mã, khi dừng chân nghỉ ngơi, Bà thấy vùng đất này có phong cảnh đẹp, đất đai phì nhiêu màu mỡ, nên Bà đã ở lại lập ấp gom dân. Ban đầu, có 4 dòng họ là: Họ Trịnh, họ Hoàng, họ Trần và họ Nguyễn. Sự tích này được thể hiện qua những câu thơ:
“Trời đem thánh Mẫu tới nơi này
Lập ấp hai dân những tự ngày
Gấm vóc ngàn thu non với nước
Thái bình muôn thuở cỏ cùng cây”
Hai họ Trần, Nguyễn lập làng trên khu đất Mang Rồng giáp đồng Quần, nay là làng Hổ Thôn với số đinh hai dòng họ lúc bấy giờ có khoảng 18 xuất đinh. Sự tích được lưu lại qua bài hát chèo của làng được nhân dân trong làng lưu giữ cho đến ngày nay:
“Chúc mừng cảnh thổ làng ta
Hổ vờn trước mặt, báo chòi sau lưng
Tả lang hữu lộc tưng bừng
Đất chầu tứ thú đặng sinh nhân tài”
Đất lành chim đậu, dần dần người của các dòng họ khác ở Bắc Hà và nhiều nơi khác đến như: Họ Lê, họ Phạm, họ Vũ, họ Cao… về đây khai hoang các bãi bồi ven sông, chống thú dữ để sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên cuộc sống thôn, làng.
Người dân làng Yên Hoành với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, đã chiến thắng thiên tai và sinh cơ lập nghiệp tại làng. Trước đây, đồng ruộng bao quanh làng với những cái tên gắn liền với những sự tích, biến cố xã hội qua các thời kỳ lịch sử như: đồng Mộc Hoàn, Ao Chuối, Đồng Bản, Cồn Soài, Cồn Đu, Đồng Cán, Đồng Bái, Khả Lan Thượng, Khả Lan Hạ, Điếm Bấn, Đá Mọc, Mã Tre, Mã Bón…
Sau khi khai phá, chinh phục các bãi bồi ven sông trở thành những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu để trồng lúa nước và các loại cây hoa màu. Nhân dân trong làng thấy nơi đây là mảnh đất có vị thế đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình, thuận lợi cho con người sinh sống nên đã quyết định chuyển nơi cư trú ở Mang Rồng ra Rạch bờ sông Mã lập thành làng mới, để nơi Mang Rồng làm nơi cày cấy. Làng Yên Hoành tồn tại và mở rộng địa bàn cư trú cho đến ngày nay.
LÀNG YÊN ĐỊNH
Trước đây, làng Yên Định có tên gọi là làng Rành, nằm bên bờ hữu ngạn sông Mã. phía Bắc giáp làng Báo, làng Bồng (xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc); phía Nam giáp làng Tân Long; phía Đông giáp làng Kênh; phía Tây giáp làng Hổ (xã Định Hưng); phía Tây Bắc giáp xóm Yên Giáo và làng Yên Hoành.
Trước làng có núi Quy Sơn cao 47m so với mặt nước biển, phía ngoài làng có núi Hạc Lĩnh, thường gọi là núi Quản. Sau làng có Mã thủy ngàn đời không cạn. Có thể nói đây là vùng đất thiêng, người hiền. Các cụ xưa có câu đối viết về đất làng Yên Định như sau:
“Nhất thốn cẩm giang sơn dư đồ Yên Định
Bát hoang xuân lộ dữ, cảnh sắc Thanh Hoa”.
Tạm dịch:
“Một bức dư đồ non sông gấm vóc trời Yên Định
Tám miền xuân cảnh như thanh sắc đất Thanh Hoa”.
Nằm trong không gian của nền văn hóa Đông Sơn nên vùng đất nơi đây từ thuở sơ khai đã có người Việt cổ sinh sống. Nhưng đến nay, không có tài liệu nào lưu giữ lại và ghi chép con người đến đây sinh sống từ khi nào mà chỉ thông qua những tài liệu ghi trên văn bia, gia phả của các dòng họ, lời kể của các bậc cao niên trong làng. Theo bản phiên âm và lược dịch Tiên hiền bia ký thì dưới triều nhà Lý (1010 - 1225), làng Yên Định có một vị tên là Vân Dương, người họ Hoàng đỗ đại khoa Thái học sinh (tiến sĩ). Như vậy, cách ngày nay hàng nghìn năm trên mảnh đất làng Yên Định đã hình thành nên thôn, trang, làng, sách. Đất lành chim đậu, cư dân từ các nơi đến quần tụ sinh cơ lập nghiệp, xây dựng xóm làng. Trước đây làng có 72 dòng họ (trong đó có 8 dòng họ của xóm Yên Giáo), hiện nay làng còn 61 dòng họ, các dòng họ lớn trong làng như: Họ Trịnh, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Lê, họ Hoàng, họ Cao, họ Mai, họ Trần, họ Trương, họ Vũ, họ Đoàn …
Yên Định là một làng lớn so với các làng thuộc tổng Yên Định xưa cũng như các làng trong xã Định Tân. Trước năm 1945, làng Yên Định có 6 phe giáp là: Đông, Đồng, Thổ, Mễ, Yên, Trung; dưới thời Minh Mạng thứ 15 thì 6 phe giáp trong làng gọi là phường, có khoảng 200 hộ với 1.500 nhân khẩu, Đã có những thời điểm, vùng đất cổ có đến 72 dòng họ cùng nhau quần cư. Một số dòng họ lớn đến Yên Định gây dựng sự nghiệp từ rất sớm, như: Trịnh, Phạm, Nguyễn, Lê, Hoàng... Hiện nay, diện tích đất tự nhiên của làng khoảng 30 ha, với 701 hộ và 2.658 nhân khẩu.
LÀNG KÊNH THÔN
Nằm trong vùng đất lịch sử, nơi quần tụ của người Việt cổ, từ thuở xã xưa làng Kênh Thôn chỉ là một xóm nhỏ nằm bên bờ sông Mã và có tên gọi khác là làng Kinh. Hiện nay, làng Kênh Thôn có diện tích tự nhiên khoảng 14ha; với vị trí địa lý: phía Đông giáp làng Tràng Lang (xã Định Tiến), phía Tây giáp làng Yên Định, phía Nam giáp làng Tân Long, phía Đông Nam giáp làng Tam Đồng (xã Định Tiến), phía Bắc giáp sông Mã. Hiện nay, làng có 227 hộ với 1.096 nhân khẩu.
Theo sử sách, gia phả của các dòng họ lớn và lời kể của các vị cao niên trong làng. Vào thời vua Lê Hiến Tông, khi Thái Vương Trịnh Kiểm mất, Trịnh Kiểm có 2 người con trai là Trịnh Cối và Trịnh Tùng. Vì quyền lợi cá nhân, anh em mâu thuẫn, bất đồng. Sau trận chiến với quân nhà Mạc, Trịnh Cối thua và hàng quân Mạc. Khi Trịnh Cối chết ở Thăng Long, vua Mạc đã báo tin cho Trịnh Tùng đưa thi hài của Trịnh Cối về núi Quan Yên (xã Định Tiến) bây giờ để chôn cất, còn vợ con của Trịnh Cối đi lập ấp cách núi Quan Yên về phía tây vài dặm, sau đó con cháu các đời lên Trang Thôn, Kênh Thôn và làng Húc làm ăn, khai đất lập làng ở đó.
Ngoài ra, những người đến Kênh Thôn khai hoang đất đai, lập ấp còn có ông tổ của dòng họ Trịnh Dương (1672). Ông có công giúp nhà Lê, nhà Trịnh và được nhà vua phong chức Tả đô đốc phủ quận công Trịnh Tướng công (Thụy là Hiền Tiến), khi ngài mất, phần mộ được an táng tại cồn cổ Ngựa, làng Kênh Thôn.
Ông Vũ Pháp Ứng tên là Vũ Duy Thước, dòng họ ông Vũ Đạt, Vũ Nghĩa. Ông có công giúp thời Hậu Lê, được nhà vua phong chức Đô Xuyên hầu, Khánh khê hầu; khi Ngài mất, mộ phần được an táng tại cồn Mễu - làng Kênh, hiện nay mộ phần vẫn còn bia.
Từ năm 1821 -1844 (thời kỳ nhà Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng), làng Kênh Thôn được thành lập theo quy định của Nhà nước phong kiến là có đủ 5 dòng họ với trên 100 nhân khẩu.
Làng Kênh Thôn nằm bên bờ hữu ngạn sông Mã, từ thuở khai dân, lập làng cho đến những năm gần đây vẫn là thuần nông; trước đây thủy lợi chưa phát triển nên chỉ trông chờ vào “mưa thuận, gió hòa”, “phong đăng, hỏa cốc”; tập quán sản xuất của nông dân trong làng còn lạc hậu, phần lớn là dân nghèo không có trâu, bò để cày bừa, năng suất thấp. Đến những năm 1930, năng suất ở đây chỉ đạt khoảng 60 - 80kg/sào/năm. Hơn nữa, đất ruộng tuy nhiều nhưng chủ yếu là công điền cấp cho các xuất đinh (nam giới từ 18 tuổi trở lên), ruộng đất nhà chùa, ruộng từ, ruộng xã, ruộng binh, ruộng cấp cho những người trong Hội đồng kỳ mục, đi lính cho triều đình phong kiến lấy hoa lợi thay tiền lương. Ruộng thuộc sở hữu các gia đình nông dân rất ít, mỗi làng chỉ có 3 - 4 hộ có vài mẫu ruộng tư nên đa phần nông dân phải làm ruộng công điền nộp thuế, ruộng rẽ, ruộng tô, thậm chí phải đi cày thuê, cuốc mướn, đi phu phen, tha phương cầu thực khắp nơi kiếm sống, đời sống rất khổ cực.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, nhân dân làng Kênh đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, cùng với nhân dân cả nước lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nhân dân làng Kênh Thôn vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
LÀNG TÂN LONG
Làng Tân Long cách trung tâm xã 3km về phía nam, với diện tích tự nhiên khoảng 51ha. Phía Đông giáp làng Tam Đồng (xã Định Tiến), phía
Trước năm 1958, làng Tân Long còn là một vùng đồng ruộng hoang vu, rậm rạp, không có người sinh sống, khu vực này từ xa xưa đã được nhân dân địa phương đặt tên là xứ Đồng Bọ. Từ năm 1959, có 5 hộ ra xứ đồng này khai hoang, sinh sống. Năm 1966, thực hiện chủ trương của UBND huyện Yên Định, xã Định Tân đã đón 88 hộ dân xã Hoằng Long (huyện Hoằng Hóa) đi theo chủ trương của tỉnh và huyện về định cư lâu dài tại Định Tân. UBND xã đã tiếp nhận các hộ, cấp đất ở, giao ruộng và hỗ trợ nguyên vật liệu cho nhân dân khai hoang, làm nhà ở, tăng gia sản xuất tại khu vực này và đặt tên là làng Tân Long.
Tháng 4/1977, thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn theo mô hình xã Quý Lộc. Xã Định Tân đã có chủ trương di chuyển làng Tân Long vào ở trong núi Chùa (tức núi Hoành) ngày nay và núi Yên Định (tức núi Quy Sơn), sau đó vùng đất lại bị bỏ hoang không sản xuất được. Từ năm 1979 đến năm 1989, xã tiếp tục có chủ trương cấp đất cho các hộ gia đình từ các làng trong xã có nhu cầu tách hộ ra khu vực này sinh sống và vẫn thống nhất lấy tên làng là làng Tân Long. Đến nay, làng có 126 hộ với 495 nhân khẩu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Định Tân, từ ngày thành lập đến nay, tình hình mọi mặt trong làng từng bước được đổi thay, chính trị ổn định, kinh tế phát triển không ngừng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, công tác an ninh trật tự luôn được củng cố và chú trọng; cá mặt: văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, chính sách xã hội được quan tâm. Làng Tân Long hôm nay đã sầm uất, đông vui; các thế hệ người dân làng Tân Long đang ra sức lao động, học tập, sáng tạo, làm giàu cho gia đình và quê hương, góp phần cùng nhân dân Định Tân xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng đáng với vùng quê giàu truyền thống lịch sử và cách mạng./.
Người thực hiện: Lê Phương
Công chức VH-XH xã Định Tân